Phân tích

Sei Network là gì? Tìm hiểu Blockchain dành riêng cho DeFi với nhiều tính năng đáng chú ý

Sei Network là một blockchain Layer-1 được tạo ra để dành riêng cho DeFi với mong muốn trở thành nền tảng cơ sở cho hệ thống tài chính tương lai. Trong bài viết này, anh em cùng WeTAG tìm hiểu về dự án để cùng khám phá những điểm nổi bật của Blockchain này nhé!

Sei Network là gì?

Sei Network là blockchain Layer 1 đầu tiên dành riêng để phát triển orderbook (sổ đặt lệnh), được tạo ra để dành riêng cho DeFi với mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng tốt nhất cho tài chính phi tập trung (DeFi).

Sei Network được xây dựng dựa trên Cosmos SDK và sử dụng Limit Order Book (CLOB). Sei Network được vận hành như một cơ sở hạ tầng cho tài chính phi tập trung trên hệ sinh thái Cosmos. Vì Sei Network tương thích với giao tiếp giữa các chuỗi khối (IBC), tất cả các dapps xây dựng trên Cosmos có thể tận dụng khả năng IBC của nó.

Vào cuối tháng 8 năm nay, Sei Network đã huy động thành công 5 triệu đô la từ các quỹ đầu tư lớn trên thị trường hiện tại như Multicoin Capital, Coinbase Ventures, Delphi Digital,… Cùng với đó vào tháng 10 Sei Network cũng đã công bố quỹ trị giá 50 triệu đô la nhằm mục đích hỗ trợ các dự án DeFi phát triển bên trong hệ sinh thái Sei.

Công nghệ của Sei Network có gì đặc biệt?

Block propagation

Trước đây, khi block proposer muốn đề xuất một block đến cho các validators khác biểu quyết và từ đó cả mạng lưới sẽ có cơ sở đồng thuận chung, họ sẽ phải đi qua những bước sau:

1. Block proposer và validators đều đã nhìn thấy được các giao dịch được gửi lên mạng lưới trong mempool của riêng họ (mempool, hiểu ngắn gọn là nơi chứa những giao dịch “pending”, đang được chờ để xử lý); tuy nhiên danh sách các giao dịch có thể sẽ hơi khác nhau đôi chút do tốc độ các giao dịch được cập nhật vào mempool của mỗi validator sẽ có sự chênh lệch tùy thuộc vào cấu trúc mạng (topology, nôm na là khoảng cách xa gần giữa các thiết bị cũng ảnh hưởng đến tốc độ mà thông tin được truyền đi).

2. Tiếp đến, validator A sẽ tổng hợp các giao dịch từ mempool của mình thành một block hoàn chỉnh.

3. Sau đó, theo như cách vận hành truyền thống của Tendermint, validator A sẽ lần lượt gửi block proposal – một tin nhắn bao gồm block ID (hàm băm của một block) và các giao dịch trong block đó thành từng phần riêng lẻ (chunks) sang cho validator B; có nghĩa là validator B phải chờ đợi toàn bộ những tin nhắn này, bao gồm block proposal và từng nhóm giao dịch, được gửi tới để có thể tái tạo lại một block hoàn chỉnh rồi biểu quyết chấp thuận, trong khi anh đã luôn có thể nhìn thấy những giao dịch này trong chính mempool của mình!

4. Giải pháp mà Sei đưa ra đó là, thay vì gửi từng phần giao dịch như trên, validator A sẽ gửi một tin nhắn bao gồm block ID và các hàm băm của những giao dịch cần được đồng thuận sang cho validator B rồi từ những hàm băm này, validator B có thể dễ dàng tái tạo lại một block hoàn chỉnh.

5. Trong trường hợp validator B đối chiếu và thấy chưa nhận được tất cả các giao dịch mà validator A gửi sang, B vẫn có thể chờ cho tới khi anh nhận được tất cả các chunks gồm toàn bộ các giao dịch của block đó theo như phương pháp truyền thống đã nói trên.

Nhờ vào phương pháp giao tiếp mới mẻ này, thông lượng (throughput) trên Sei Network đã được cải thiện tới 40% so với khi áp dụng phương pháp truyền thống của Tendermint Core!

Block processing

Các bước trong cơ chế đồng thuận của Tendermint:

1. Propose: Một block được đề xuất ra để các validators biểu quyết.

2. Prevote: các validators sẽ đánh giá tính hợp lệ của block này rồi gửi một tin nhắn cho biết đánh giá của mình lên mạng lưới.

3. Precommit: Sau một khoảng thời gian nhất định, nếu có trên 2/3 số tin nhắn prevote bày tỏ sự đồng thuận với dữ liệu trong block, các validators lại gửi một tin nhắn chấp thuận/không chấp thuận lên mạng lưới; nếu vẫn có trên 2/3 số tin nhắn precommit bày tỏ sự đồng thuận, block này mới bắt đầu được xử lý và commit (tức được thêm vào blockchain).

Ghi chú: Phải có 2 bước prevote và precommit mặc dù cơ chế tương tự nhau là để đảm bảo tính an ninh cho hệ thống; nếu chỉ có 1 bước precommit duy nhất thì các validators xấu vẫn có thể gian lận một cách thành công.

Như vậy, với cơ chế đồng thuận của Tendermint, để một block được thêm vào blockchain, chúng ta sẽ mất khoảng 1 giây.

Theo Jayendra Jog, đồng sáng lập của Sei Network, quá trình này có thể được rút ngắn hơn nữa nếu chúng ta ngầm giả định tính hợp lệ của một block và xử lý nó song song với khoảng thời gian các validators trao đổi những tin nhắn prevote và precommit nói trên. Nếu một block được xác nhận là hợp lệ, nó sẽ được thêm vào blockchain và ngược lại, nếu không hợp lệ, block này sẽ bị bỏ qua.

Ghi chú: Tại mỗi height (là vị trí của một block trong blockchain) nhất định, sẽ chỉ có block đầu tiên được đề xuất được xử lý theo phương pháp optimistic processing này (bởi sẽ có nhiều block được đề xuất đối với mỗi block height) để phòng tránh việc làm quá tải các validators khi phải thực hiện nhiều tác vụ khác nhau cùng một lúc.

Sau khi tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm, đội ngũ của Sei Network cho biết kết quả thu được rất khả quan khi thông lượng tăng thêm 33%.

Tổng kết lại, với cơ chế đồng thuận Twin Turbo mới, mạng lưới của Sei Network được khẳng định là có thể xử lý 22,000 lệnh/giây với tốc độ xử lý mỗi block được giảm còn 450ms (nhưng hiện con số này đã tăng lên khoảng 600ms), chỉ còn khoảng một nửa so với cơ chế đồng thuận gốc của Tendermint.

Xử lý giao dịch song song và tổng hợp lệnh

Một điểm cải tiến nữa của Sei Network là việc xử lý các giao dịch không liên quan tới nhau, không sử dụng cùng một nguồn tài nguyên một cách riêng biệt & độc lập thay vì xử lý tất cả các giao dịch, dù có liên quan tới nhau hay không, một cách tuần tự. Bên cạnh đó, Sei Network cũng được thiết kế để xử lý các giao dịch thuộc những markets khác nhau một cách song song với nhau, giúp tiết kiệm thời gian, từ đó giảm thiểu rủi ro cho các nhà tạo lập thị trường (market makers).

Nếu các lệnh trong một block thuộc về cùng một thị trường, chúng sẽ được tổng hợp lại để được xử lý cùng một lúc. Sei Network cũng cho phép các traders tổng hợp nhiều lệnh độc lập vào cùng một giao dịch rồi thực hiện chúng để tiết kiệm phí gas.

Bên cạnh việc giúp cải thiện trải nghiệm người dùng, việc rút ngắn thời gian thông qua phương pháp tổng hợp và xử lý giao dịch song song như thế này còn giúp ngăn ngừa tình trạng front-running, từ đó đảm bảo được tính minh bạch và công bằng cho các cá nhân tham gia vào thị trường.

Một vài con số đáng chú ý

Theo chia sẻ của Dan Edlebeck, Trưởng bộ phận phát triển Hệ sinh thái ở Sei Network hồi cuối tháng Chín năm nay, sau 2 tháng chạy testnet, Sei đã có hơn 25,000 người dùng, trên 50 đội ngũ xây dựng dự án trên blockchain này với tổng cộng hơn 200,000 giao dịch đã được tạo ra.

Tới thời điểm hiện tại, theo cập nhật chính thức trên website dự án, số lượng người dùng testnet là trên 30,000, số lượng dự án đang được xây dựng rơi vào khoảng 70 với tổng số lượng giao dịch là trên 500,000 – gấp 2,5 lần so với 1 tháng trước đó.

Các dự án được xây dựng trên Sei Network

Một vài dự án đáng chú ý đang được xây dựng trên Sei Network bao gồm:

  • Axelar: dự án về cầu nối xuyên chuỗi
  • UXD: Dự án về stablecoin, đã được xây dựng trên Solana
  • Nitro Labs: Dự án Layer-2 của Solana, đóng vai trò cầu nối giữa hệ sinh thái Solana và Cosmos
  • Pharaoh: Dự án về tài sản tổng hợp (synthetic assets) được xây dựng trực tiếp trên Sei
  • Vortex: Dự án DeFi về hợp đồng vĩnh cửu được xây dựng trực tiếp trên Sei

Mới đây, Sei Network cũng tuyên bố airdrop 1% tổng cung token cho những người dùng testnet và những thành viên đã ủng hộ dự án từ sớm. Thông tin chi tiết về thời gian snapshot vẫn chưa được công bố.

Kết luận

Trên đây là những thông tin giới thiệu về SEI Network được tham khảo từ nhiều nguồn, cảm ơn anh em đã đọc bài viết và đừng quên đăng ký các kênh thông tin của WeTAG nhé!